Đề xuất cấm đấu giá biển số với người trúng mà không trả tiền

18:29, 03/05/2024

Người trúng đấu giá biển số xe không nộp đủ tiền thì không được nhận lại tiền đặt cọc và bị cấm tham gia trong 12 tháng, Bộ Công an đề xuất.

Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông tháng 4, Bộ Công an đề xuất, người trúng đấu giá biển số xe phải nộp đủ tiền trong 30 ngày kể từ khi có thông báo kết quả. Tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký, cấp biển số xe.

Sau thời hạn nêu trên, người trúng đấu giá biển số xe không nộp hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá thì biển số này được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký.

Theo dự thảo, người tham gia đấu giá không xác nhận biên bản, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền sẽ bị cấm tham gia đấu giá biển số xe trong 12 tháng và không được nhận lại tiền đặt trước.

Đây là điểm mới so với nghị quyết của Quốc hội giữa năm 2023. Theo nghị quyết này, người trúng đấu giá bỏ kết quả đợt trước vẫn được đăng ký đấu giá đợt sau.

Phòng giám sát đấu giá biển số của Cục Cảnh sát giao thông.
Phòng giám sát đấu giá biển số của Cục Cảnh sát giao thông.

Thời gian qua, nhiều người trúng đấu giá biển số xe hàng chục tỷ đồng nhưng không nộp tiền. Tháng 9 năm ngoái, một người chốt biển số 51K-888.88 giá hơn 32 tỷ đồng nhưng không nộp tiền. Một tháng sau, biển số này được đấu giá lại với giá 15,2 tỷ đồng.

Tháng 10/2023, biển số 30K-999.99 được trả hơn 75 tỷ đồng, mức kỷ lục từ khi mở đấu giá biển số xe, nhưng người trúng không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, kết quả bị hủy. Ba tháng sau, biển số này được đấu giá lại và chốt 30,6 tỷ đồng.

Tại dự thảo, Bộ Công an cũng đề xuất mở rộng đấu giá với biển số số môtô, xe máy thay vì chỉ đấu giá biển số ôtô như hiện nay. Giá khởi điểm biển số ôtô là 40 triệu đồng, biển số xe máy là 5 triệu đồng. Bước giá 10% giá khởi điểm, thay vì mức 5 triệu như hiện nay. Tiền đặt trước không thấp hơn giá khởi điểm.

Cơ quan soạn thảo giải thích, thời gian qua mới chỉ đấu giá biển số ôtô nền trắng, chữ và số đen, chưa áp dụng rộng rãi với xe máy nên chưa đáp ứng hết nguyện vọng sở hữu biển số theo ý thích của người dân.

Tại dự thảo nhiều quy định hiện hành được giữ nguyên như hiện nay như người trúng đấu giá được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe gắn với biển số trúng đấu giá.

Trong 12 tháng hoặc kéo dài thêm 6 tháng nếu gặp sự kiện bất khả kháng, người trúng đấu giá phải gắn biển số xe. Sau thời hạn này, biển số chưa được gắn sẽ bị mang ra đấu giá lại và người trúng không được hoàn số tiền đã nộp.

Nếu người trúng đấu giá chết mà chưa đăng ký gắn biển số thì người thừa kế được nhận lại số tiền đã nộp, sau khi trừ các chi phí liên quan.

Đấu giá biển số ôtô được tổ chức từ tháng 8/2023, đến nay có hơn 15.100 biển được chốt, trong đó hơn 14.000 biển được người trúng nộp tiền, tổng 1.400 tỷ đồng.

Theo Báo Hà Tĩnh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nissan Almera bản nâng cấp sẽ về Việt Nam trong năm nay, cạnh tranh Vios, Accent?
Nissan Almera bản nâng cấp giữa vòng đời dự kiến sẽ được nhập khẩu về Việt Nam vào nửa sau của năm 2024.
30/04/2024
Tính năng ẩn trên remote ô tô giúp chống nóng hiệu quả
Rất nhiều người có kinh nghiệm lái xe lâu năm nhưng vẫn không biết tính năng ẩn bên trong remote điều khiển ô tô, giúp tránh nắng oi bức một cách hiệu quả trước khi lên xe.
29/04/2024
Pega Việt Nam ra mắt xe máy điện sở hữu bộ não thông minh đầu tiên trên thế giới
Điểm nhấn nổi bật của Pega eSmart AI là được tích hợp trợ lý ảo và màn hình cảm ứng. Đây cũng là chiếc xe máy điện đầu tiên trên thế giới sở hữu các tính năng này.
28/04/2024
Cận cảnh Jaecoo J7 - SUV ngang cỡ Mazda CX-5 sắp cập bến thị trường Việt Nam
Jaecoo J7 là mẫu xe đến từ nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Chery, dự kiến sẽ được mở bán tại thị trường Việt Nam ngay trong năm nay
27/04/2024